Đại từ là một bộ phận quan trọng để cấu tạo nên câu. Đôi khi chúng ta chưa thực sự hiểu rõ về đại từ, về vai trò cũng như các loại đại từ trong Tiếng Việt. Cùng tìm hiểu về đại từ thông qua các ví dụ cụ thể qua bài viết dưới đây.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Thế nào là đại từ?
Đại từ là những từ dùng để chỉ người, vật, hoạt động, tính chất trong một ngữ cảnh nhất định trong câu. Đại từ thường thay thế cho các tính từ (cụm tính từ), động từ (cụm động từ), danh từ (cụm danh từ) trong câu nhằm tránh việc lặp từ quá nhiều, đa dạng hóa cách viết, cách nói.
VD: Tôi bị mẹ la.
Cái gì đang xảy ra vậy!
Vai trò của đại từ
Trong câu, đại từ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ hoặc làm định ngữ, bổ ngữ cho cho động từ, danh từ. Đại từ được sử dụng nhằm mục đích thay thế, đa dạng vốn từ trong giao tiếp, văn học.
Đại từ thường thay thế cho các tính từ (cụm tính từ), động từ (cụm động từ), danh từ (cụm danh từ) trong câu nhằm tránh việc lặp từ quá nhiều, đa dạng hóa cách viết, cách nói. Phần lớn đại từ đảm nhiệm chức năng trỏ và mang mục đích thay thế.
VD: Những chú gà con có bộ lông vàng mượt. Chúng trông thật dễ thương. => Đại từ “chúng” thay thế cho cụm danh từ “những chú gà con”.
Phân loại đại từ
Đại từ nhân xưng
Đại từ nhân xưng dùng để đại diện, thay thế cho danh từ trong giao tiếp, văn bản. Đại từ nhân xưng được chia nhỏ gồm 3 ngôi:
- Ngôi thứ nhất dùng để chỉ người nói, người viết: tôi, ta, tớ, mình, chúng tôi, chúng ta, chúng tớ, chúng mình, …
VD: Chúng ta phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Ngôi thứ hai chỉ người nghe, người đọc: cậu, bạn, mày, anh, chị, chúng mày, các bạn, các cậu, các anh, các chị, …
VD: Cậu ơi, cho mình mượn cây bút máy với.
- Ngôi thứ ba chỉ người không tham gia trực tiếp vào câu chuyện, nhưng được nhắc đến trong cuộc giao tiếp: nó, hắn, y, anh ta, cô ấy, anh ấy, bạn ấy, chúng nó, bọn hắn, bọn chúng, …
VD: Anh ấy là một luật sư giỏi.
Đại từ nghi vấn
Đại từ nghi vấn hay còn gọi là đại từ để hỏi, thường đặt ở đầu câu hoặc cuối câu trong câu nghi vấn. Đại từ nghi vấn không dùng cho câu khẳng định, câu trả lời.
- Đại từ hỏi về sự vật, con người: ai, gì, cái gì, sao, nào, …
VD: Bút của bạn là cái nào?
Sao bạn không tham gia lễ tốt nghiệp?
Cầu vồng có những màu gì?
- Đại từ hỏi về số lượng: bao nhiêu, bấy nhiêu, mấy, …
VD: Bạn đã đọc được bao nhiêu cuốn sách?
Con có mấy điểm 10?
- Đại từ hỏi về hoạt động, tính chất (lý do, nguyên nhân, kết quả, chất lượng, …): ở đâu, tại sao, sao, thế nào, như nào, …
VD: Cậu thấy món súp này như nào?
Đại từ để trỏ
Đây là loại đại từ được sử dụng để thay thế cho chủ ngữ, vị ngữ trong câu. Đại từ thay thế hạn chế tình trạng lặp từ, tạo sự tự nhiên và gần gũi cho người nghe, người đọc.
- Đại từ trỏ người, sự vật: tôi, tớ, cậu, tao, mày, con, thằng, kẻ hắn, thằng, chúng tôi, chúng nó, chúng mày, …
VD: Hắn thật xấu xa.
Chúng tôi là những người bạn rất thân.
- Đại từ trỏ số lượng: bao, bao nhiêu, mấy, …
VD: Bạn có bao nhiêu cái bút vậy, cho tôi mượn một cái được không?
- Đại từ trỏ hoạt động, tính chất: vậy, thế, như nào …
VD: Sao cậu có thể hành xử như vậy được nhỉ?
Đại từ thay thế
Đại từ thay thế sử dụng trong câu nhằm mục đích thay thế các từ, cụm từ. Từ đó giúp câu văn mạch lạc, rõ ràng và không bị lặp từ. Đại từ thay thế bao gồm:
- Đại từ thay thế cho danh từ, cụm danh từ: chúng, chúng tôi, họ, bọn họ, anh ấy, cô ấy, chúng nó, …
VD: Lũ trẻ đang nô đùa dưới tán cây. Chúng dường như rất vui vẻ và hạnh phúc => Đại từ chúng thay thế cho danh từ lũ trẻ.
- Đại từ thay thế cho tính từ, cụm tính từ và động từ, cụm động từ: vậy, như vậy, thế này, như thế, …
VD: Lan luôn chăm chỉ học hành. Thế này, chắc chắn cô ấy sẽ tốt nghiệp sớm.
- Đại từ thay thế cho số từ: bao nhiêu, mấy, bao, …
VD: Có 10 bao gạo thôi, bao nhiêu đó có đủ ăn không? => Đại từ bao nhiêu thay thế cho số từ 10.
Ngoài ra, trong Tiếng Việt chúng ta vẫn thường hay sử dụng các đại từ thay thế khác như:
- Đại từ quan hệ gia đình, xã hội: Đại từ dùng để xưng hô, phân biệt các cấp bậc, địa vị và vai vế trong các mối quan hệ gia đình, xã hội: ông, bà, bố, mẹ, con, cháu, chú, bác, cô, dì, cậu, mợ, anh, chị, em, …
VD: Ông bà có hai người con trai là bác và bố tôi.
- Đại từ chức vụ: Đại từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp trong cơ quan, công ty, tổ chức, … : cô giáo, thầy giáo, bác sĩ, tổng giám đốc, quản lý, thanh tra, chủ tịch, tổng thống…
VD: Hôm nay, quản lý mới sẽ đến nhậm chức.
Trên đây là bức tranh tổng quát về đại từ trong Tiếng Việt. Theo dõi … để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về ngữ pháp cũng như củng cố các khái niệm, cách phân biệt loại từ, các biện pháp tu từ trong Tiếng Việt. Hy vọng qua những bài viết bổ ích, các bạn sẽ hiểu sâu, học tốt và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc.