Ngữ pháp Tiếng Việt rất hay và phong phú. Tình thái từ là một trong những phụ từ đặc biệt trong ngữ pháp Tiếng Việt. Cùng tìm hiểu về tình thái từ (khái niệm, chức năng, cách dùng) qua bài viết dưới đây.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Tính thái từ là gì?
Tình thái từ là những từ được thêm vào câu nhằm mục đích biểu thị các sắc thái biểu cảm, tạo nên câu nghi vấn, câu cầu khiến hoặc câu cảm thán. Tình thái từ thường được đặt ở cuối câu, nhấn mạnh cảm xúc và thái độ của người nói, người viết.
VD: Cháu chào ông bà ạ! => Tình thái từ “ạ” được thêm vào câu nhằm thể hiện sự lễ phép của cháu đến bậc ông bà. “Cháu chào ông bà” là câu trần thuật nhưng thêm tình thái từ “ạ” vào cuối câu thì trở thành câu cảm thán.
Chức năng của tình thái từ?
Tình thái từ có hai chức năng cơ bản là: Tạo câu theo mục đích nói và biểu thị sắc thái cảm xúc của người nói, người viết.
Tạo câu theo mục đích nói
Người nói, người viết thêm tình thái từ vào câu nhằm tạo nên các câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán. Tùy theo mục đích nói, người nói/ người viết có thể thêm một số từ tình thái như:
- Tạo câu nghi vấn: hả, sao, ư, à, hử, chăng,
- Tạo câu cầu khiến: đi, mà, nào, với, thôi, nhé, …
- Tạo câu cảm thán: sao, thay, ôi, trời đất…
VD: Từ câu trần thuật “Chúng ta đi chơi”, sau khi thêm các tình thái từ ta được:
- Câu nghi vấn: “Chúng ta đi chơi hả?”, “Chúng ta đi chơi sao?”, …
- Câu cầu khiến: “Chúng ta đi chơi đi!”, “Chúng ta đi chơi nhé!”, …
- Câu cảm thán: “Ôi, chúng ta đi chơi!”
Biểu thị sắc thái cảm xúc, tình cảm
Tình cảm, thái độ, cảm xúc của người nói, người viết được truyền đạt trong câu qua các tình thái từ.
- Biểu thị sự nghi ngờ: Thông tin chính xác à?
- Biểu thị sự bất ngờ, ngạc nhiên: Lớp mình được giải nhất á!
- Biểu thị sự chờ mong, hy vọng: Mẹ mua quà cho con nhé!
- Biểu thị sự thân mật: Mẹ đi nhé!
- Biểu thị sự nũng nịu: Mua cho em con gấu cơ!
- Biểu thị sự miễn cưỡng: Tớ về vậy!
- Biểu thị sự dứt khoát: Tớ không đi đâu!
- Biểu thị sự nhấn mạnh: Vấn đề cần giải quyết này!
VD:
Phân loại tình thái từ
Về cơ bản, tình thái từ được chia thành 4 loại dựa trên chức năng của chúng trong câu:
- Tình thái từ nghi vấn: à, ư, sao, hả, hử, chăng, …
VD:
Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.
Ca dao
Tình thái từ “chăng” được thêm vào câu để tạo nên câu nghi vấn. Tưởng chừng câu nói như một lời dẫn mối cho cô gái xinh đẹp, chịu khó với người chú.Nhưng nó lại là bước đệm cho một lời châm biếm của ông cha. Người chú có đủ thói hư tật xấu: lười biếng, mê rượu, mê chè không phải là một người chồng tốt.
- Tình thái từ cầu khiến: đi, nào, với, thôi, nhé, chứ, …
VD: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi oà khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:
– Con nín đi! Mợ đã về với con rồi mà.”
Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng
Tình thái từ “đi” đã tạo nên câu cầu khiến “Con nín đi!”.
- Tình thái từ cảm thán: ôi, thay, sao, …
VD:
Thương thay thân phận con tằm
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ
Ca dao
Tình thái từ “thay” góp phần vào việc thể hiện cảm xúc xót xa, thương cảm dành cho những số phận, những kiếp người trong xã hội xưa khi bị bóc lột sức lao động thông qua hình ảnh ẩn dụ con tằm nhả tơ.
- Tình thái từ biểu hiện sắc thái tình cảm: ạ, nhé, thôi, mà, cơ, đây, này, …
VD: “Cũng may, hắn không cầm vỏ chai, bá Kiến cũng dõng dạc hỏi:
– Anh Chí đi đâu đấy?
Hắn chào to:
– Lạy cụ ạ. Bẩm cụ… Con đến cửa cụ để kêu cụ một việc ạ.”
Chí Phèo – Nam Cao
Tình thái từ “ạ” thể hiện sự kính cẩn của Chí Phèo đối với Bá Kiến.
Cách sử dụng tình thái từ
Chúng ta cần phải chú ý khi sử dụng tình thái từ sao cho phù hợp với hoàn cảnh khi viết và khi nói. Chúng ta cần cần nhắc các mối quan hệ tuổi tác, thức bậc xã hội, tình cảm, … giữa các nhân vật trong câu chuyện, giữa người nghe và người nói. Có như vậy, tình thái từ mới phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả cao trong văn viết, văn nói.
Cùng là một câu chào trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta sử dụng tình thái từ “ạ” thêm vào câu chào, câu nói đối với người lớn. Từ “ạ” thể hiện sự lễ phép của chúng ta đối với những người lớn hơn.
VD: Cháu chào bác ạ!, Con chào mẹ ạ!, Em chào chị ạ!, Cháu cảm ơn ông ạ! …
Tuy nhiên đối tượng giao tiếp là bạn bè, những người thấp vế hơn mình, chúng ta có thể sử dụng tình thái từ “nhé”, “vậy”, “à” … Những tình thái từ này mang tính thoải mái hơn, không quá câu nệ, thể hiện sự gần gũi.
VD: Chị về nhé!, Em về nhé!, Chúng ta đi xem phim vậy, …
Nếu chúng ta muốn bày tỏ sự gượng ép, miễn cưỡng, thì nên sử dụng tình thái từ “vậy”
VD: Để mình làm cho vậy.
Như vậy, muốn xác định chính xác tình thái từ trong câu, chúng ta cần phải đọc kỹ từng câu, nắm rõ ngữ cảnh trong đoạn. Bên cạnh đó bạn cầm nắm chắc các loại tình thái từ. Theo dõi … để tiếp cận, củng cố, mở rộng kiến thức liên quan đến ngữ pháp Tiếng Việt.