Tính từ là gì? Chức năng, phân loại và cách nhận biết tính từ

Tính từ là một trong ba từ loại phổ biến nhất trong Tiếng Việt. Tính từ là gì? Chức năng của tính từ? Phân loại và cách nhận biết tính từ trong Tiếng Việt? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết hữu ích ngay dưới đây.

Tính từ là gì

Tính từ là những từ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật. Tính từ diễn tả màu sắc, hình dáng, trạng thái, hình dáng của sự vật, sự việc, con người và hiện tượng trong đời sống. Ngoài ra tính từ còn miêu tả cảm xúc, tâm trạng của con người, sự vật.

VD: 

  • Tính từ chỉ màu sắc: tím, hồng, xanh, đỏ, …

Mẹ mua cho em chiếc ô tím.

  • Tính từ chỉ trạng thái: đáng yêu, xinh xắn, dễ thương, …

Cô giáo khen em dễ thương.

  • Tính từ chỉ hình dáng: dài, ngắn, tròn, vuông, to, nhỏ, vạm vỡ, …

Cái bàn rất dài.

Chức năng của tính từ trong Tiếng Việt

Tính từ có tính gợi hình, gợi cảm ở nhiều mức độ khác nhau, là từ loại có khả năng biểu đạt cao nhất trong Tiếng Việt. Tính từ giúp người viết, người nói truyền đạt được toàn bộ nội dung một cách sống động, chân thực nhất cho người đọc, người nghe.

Tính từ thường kết hợp với động từ, danh từ để bổ nghĩa cho chúng về mặt tính chất, đặc điểm. Nhờ sự kết hợp giữa tính từ và các loại từ khác giúp câu văn, đoạn thơ, lời nói thêm sinh động, rõ ý nhất.

Tính từ có chức năng chính trong câu là làm vị ngữ, cùng với danh từ, động từ tạo nên sự hoàn chỉnh cho câu đơn, câu ghép.

VD: Đó là một cụ già gầy gò. (Tính từ “gầy gò” bổ sung ý nghĩa cho danh từ “cụ già”)

Tính từ làm chủ ngữ trong câu. Tuy nhiên chức năng này không quá phổ biến.

VD: Chăm chỉ là đức tính cần có ở mỗi người.

Phân loại và nhận biết tính từ

Trong Tiếng Việt, tính từ rất đa dạng. Cơ bản, tính từ gồm các dạng chính:

Tính từ chỉ đặc điểm

Tính từ được dùng để mô tả các đặc trưng của một sự vật, hiện tượng. Có thể là về hình dáng, âm thanh, màu sắc, mùi vị, tính tình của một người, …

VD: Cây cau rất cao.

Món gà này rất ngon.

Cô ấy rất hiền.

Dấu hiệu nhận biết tính từ chỉ đặc điểm:

  • Đặc điểm của sự vật, hiện tượng thường là các đặc điểm bên ngoài, có thể cảm nhận trực tiếp qua các giác quan: xúc giác, thị giác, thính giác, …
  • Có thể là các đặc điểm về tâm lý, tính cách, cảm xúc của con người.
  • Hoặc tính từ chỉ đặc điểm về độ bền, giá trị của một đồ vật nào đó.

VD:

  • Tính từ chỉ đặc điểm bên ngoài: cao, thấp, gầy, béo, đẹp, xấu, …
  • Tính từ chỉ đặc điểm bên trong: hiền, thân thiện, xảo trá, …
  • Tính từ chỉ đặc điểm của vật: cũ, mới, cứng, mềm, …

Tính từ chỉ chất

Tính từ chỉ chất đề cập đến đặc điểm bên trong  của sự vật, hiện tượng. Nếu tính từ chỉ đặc điểm cần ta quan sát, cảm nhận bằng các giác quan thì tính từ chỉ chất cần thêm một bước là suy luận, suy diễn để tìm ra đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

VD: Sạch, bẩn, tốt, xấu, sâu sắc, chăm chỉ, lười biếng …

Metan có đặc điểm nhẹ, không màu, không mùi. 

Dấu hiệu nhận biết tính từ chỉ chất

Từ quan sát, từ những đặc điểm bên ngoài mà con người trực tiếp cảm nhận được để có thể phân tích, suy luận và tổng hợp được chất lượng của sự vật, sự việc, hiện tượng.

Tính từ chỉ trạng thái

Những tính từ biểu thị trạng thái tạm thời hoặc trạng thái tự nhiên của sự vật, hiện tượng, con người trong một khoảng thời gian nhất định (ngắn hoặc dài). Tính từ chỉ sự thay đổi trạng thái của sự vật, sự việc có thể quan sát được bằng mắt trong thời gian thực.

VD: Các tính từ: lặng lẽ, ồn ào, tấp nập, tỉnh táo, hôn mê, …

Làng quê yên bình 

Tính từ tự thân và tính từ không tự thân

Tính từ tự thân

Tính từ tự thân chỉ những tính từ có khả năng đứng độc lập một mình trong câu, không cần các từ khác bổ nghĩa cho chúng. Tính từ tự thân mô tả màu sắc, kích thước, hình dáng, mùi vị, … của sự vật, hiện tượng.

  • Tính từ chỉ mùi vị: cay, đắng, ngọt, bùi, chua, mặn, nhạt, …
  • Tính từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, cam, vàng, tím, …
  • Tính từ chỉ âm thanh: trầm ấm, thánh thót, ồn ào, …
  • Tính từ chỉ kích thước: cao, thấp, dài, ngắn, dày, mỏng, …
  • Tính từ chỉ hình dáng: tròn, vuông, méo, thẳng, …
  • Tính từ chỉ lượng: nặng, nhẹ, …
  • Tính từ chỉ phẩm chất: hiền lành, lạc quan, nhỏ mọn, keo kiệt, …

Tính từ không tự thân

Bản chất của tính từ không tự thân không phải là tính từ mà là những từ thuộc nhóm các từ loại khác (danh từ, động từ) nhưng được chuyển loại và được sử dụng như một tính từ. Tính từ không tự thân cần kết hợp với danh từ, động từ hoặc các từ loại khác để đảm nhận vai trò là tính từ.

Xác định tính từ không tự thân bằng cách xem xét cơ sở quan hệ của chúng với các từ, các cụm từ trong câu. Danh từ hoặc động từ khi chuyển sang làm tính từ trong câu sẽ có ý nghĩa khác với nghĩa vốn có, thường mang nghĩa khái quát hơn.

VD:

 “Nhà quê” là danh từ mang nghĩa những ngôi nhà ở làng quê. Nhưng với vai trò là tính từ trong câu “Cách sống nhà quê”, “nhà quê” lại chỉ phong cách sống có phần cũ, lạc hậu.

Hay “buông thả” là động từ chuyển loại thành tính từ trong cụm “lối sống buông thả” chỉ cách sống ích kỷ, bỏ mặc mọi thứ sống theo ý thích của bản thân.

Cách tạo tính từ ghép trong Tiếng Việt

Tính từ ghép trong Tiếng Việt có thể được tạo ra bằng một số cách như sau:

  • Tính từ ghép với tính từ: to béo, cao to, khôn ngoan, …
  • Tính từ ghép với danh từ: cứng đầu, to gan, …
  • Tính từ ghép với động từ: khó hiểu, khó nói, chậm hiểu, …
  • Lặp lại toàn bộ hoặc một bộ phận của tính từ gốc: trăng trắng, sạch sẽ, may mắn, đắt đỏ, …

Cụm tính từ

Cụm tính từ hay tính ngữ là tổ hợp từ tự do do tính từ và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Cấu tạo cụm tính từ tương tự như cụm danh từ, cụm động từ gồm 3 phần là: phần phụ trước, phần trung tâm và phần phụ sau.

Phần phụ trước

– Từ chỉ mức độ: rất, hơi, lắm, cực (cực kỳ), tuyệt, quá, …

VD: hơi vụng, rất đẹp, cực đẹp, tuyệt đẹp, …

– Những từ đi với cụm danh từ có thể đi với cụm tính từ : hãy, đừng, chớ, …

VD: Đừng xanh như lá, bạc như vôi (Hồ Xuân Hương)

– Từ chỉ mối quan hệ thời gian và diễn biến: còn, đang, chưa, …

VD: lúc còn xanh, đang bận, chưa sáng, …

– Nhóm các phụ từ: ra, lên, đi, lại, …

VD: cao lên, gầy lại, béo ra, …

Phần trung tâm

Các tính từ có thể đảm nhiệm vị trí trung tâm:

  • Tính từ có khả năng kết hợp với phụ từ chỉ mức độ (tính từ tương đối)

VD: tốt, đẹp, xấu, sạch, …

  • Tính từ không có khả năng kết hợp với phụ từ chỉ mức độ (tính từ tuyệt đối)
  • Tính từ có thực từ làm rõ nghĩa

VD: đông người, vàng lá, mỏng vỏ, …

Phần phụ sau 

  • Phụ từ chuyên dụng làm thành tố sau: lắm
  • Từ chỉ mức độ: cực (cực kỳ), tuyệt, quá, … tăng sắc thái nhấn mạnh

VD: tốt lắm, đẹp cực, ngon lắm, …

Cụm tính từ cũng có thể chỉ gồm chỉ có hai phần: Phần trung tâm và phần phụ sau hoặc phần trung tâm hoặc phần phụ trước.

VD: Cụm tính từ đầy đủ: Còn đang xanh lắm

Cụm danh từ không đầy đủ:

  • Còn đang xanh (gồm phần đầu và phần trung tâm)
  • Xanh lắm (gồm phần trung tâm và phần sau)

Bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về tính từ, mong rằng mang đến cho bạn những kiến thức đầy đủ nhất. Cùng theo dõi …. để biết thêm nhiều điều thú vị về Tiếng Việt, ngữ pháp Tiếng Việt bổ ích.

 

Có thể bạn quan tâm:

  • Danh từ là gì? Chức năng, các loại danh từ và ví dụ
  • Động từ là gì? Chức năng, phân loại và cách sử dụng động từ
Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *